Những điểm nổi bật từ tọa đàm trực tuyến FiinGroup Invest Summit: Triển Vọng Đầu Tư Năm 2022

28 February 2022 - 04:44 PM Alternate Text

Trong chiều ngày 25/02/2022, FiinGroup đã tổ chức thành công Tọa đàm trực tuyến FiinGroup Invest Summit: Triển Vọng Đầu Tư Năm 2022. Đây là sự kiện thường niên, nổi bật của FiinGroup nhằm cung cấp cho nhà đầu tư góc nhìn phân tích độc lập, chuyên sâu về các kênh đầu tư chính trên thị trường vốn Việt Nam: Cổ phiếu, Trái phiếu và Bất động sản.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại những thông tin nổi bật đã được chia sẻ trong tọa đàm này:

1. Triển vọng thị trường cổ phiếu năm 2022

  • Điểm lại bức tranh lợi nhuận năm 2021 với hai điểm nổi bật. Lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng rất cao (+43%) trong năm 2021, nhờ diễn biến tích cực trong hai quý đầu năm. Tăng trưởng chỉ tập trung ở một số nhóm ngành nhất định, bao gồm Ngân hàng, Chứng khoán, nhóm ngành hưởng lợi từ COVID-19 như Logistics và Vận tải thủy, nhóm Hàng hóa như Thép, Dầu khí, Phân bón, Hóa chất. Những nhóm ngành này đóng góp tới 80% vào tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường trong năm 2021 mặc dù chỉ chiếm chưa đến 20% vốn hóa.
  • Triển vọng tăng trưởng năm 2022, số liệu và phân tích của FiinGroup đã chỉ ra rằng tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức 20% trong năm 2022 và thị trường sẽ chứng kiến sự “đổi chiều tăng trưởng” mạnh mẽ giữa các nhóm ngành. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng dự kiến sẽ vượt trội hơn so với khối doanh nghiệp phi tài chính. Nhiều ngành tăng trưởng mạnh trong năm 2021 dự kiến có lợi nhuận tăng chậm lại hay gần như không tăng trưởng trong năm 2022, trong đó bao gồm Thép, Cao su và Logistics. Những nhóm suy giảm do COVID-19 dự kiến hồi phục mạnh trong năm nay khi các hoạt động kinh tế bình thường trở lại (Hàng cá nhân, Dược phẩm, Bán lẻ, Điện và Đồ uống). Triển vọng chung về tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn khá tích cực và đây sẽ là động lực cơ bản và trọng yếu hỗ trợ thị trường trong năm 2022.
  • Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ về thanh khoản với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư mới. Nếu xem xét dựa trên 4 yếu tố: dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2022, những động thái gần đây liên quan đến huy động vốn, khả năng đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới của HOSE và khảo sát của FiinGroup với một số CTCK lớn, có thể dự đoán rằng thanh khoản thị trường vẫn có thể sẽ tăng trong năm 2022 này, tuy nhiên khó có thể đạt được mức tăng trưởng ấn tượng như năm 2021 vừa qua và NĐT vẫn cần cẩn trọng. Ngoài ra, chuyên gia cũng đề cập đến một số lưu ý khi chúng ta đánh giá triển vọng của thanh khoản. Có thể thấy lượng tài khoản mở mới tăng rất mạnh trong năm 2021 nhưng dòng tiền không tăng tương ứng. Lượng vay margin tăng mạnh nhưng giá trị mua ròng của NĐT cá nhân gần như không tăng.
  • Định giá tính theo lợi nhuận (tức là P/E) của các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường đã tăng, định giá P/E của VN-Index hiện ở mức 17,2. Tuy nhiên, định giá của thị trường chịu ảnh hưởng lớn bởi khối Ngân hàng. Do đó, để thấy rõ hơn bức tranh định giá của thị trường thì nên xem xét định giá khối Ngân hàng và khối Phi tài chính riêng biệt. Với cổ phiếu Ngân hàng, P/B hiện đã tiệm cận mức cộng 2 lần độ lệch chuẩn. Tần suất mà định giá của khối Ngân hàng chạm vùng cao này trong hơn 10 năm qua là rất ít, cho thấy năm 2022 bắt đầu trên một nền định giá cao. Trên nền định giá cao như hiện tại, để giá cổ phiếu có thể tăng tiếp thì lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết cần phải tăng tương ứng hay thậm chí tăng cao hơn P/E.

Dựa trên bối cảnh vĩ mô, bức tranh lợi nhuận thực tế 2021 và phân tích triển vọng tăng trưởng 2022, FiinGroup đưa ra một số đánh giá về ngành gắn với ba chủ đề đầu tư đáng quan tâm cho năm 2022 bao gồm: Cổ phiếu của nhóm ngành giúp tránh rủi ro lạm phát (Điện, Dược Phẩm), Cổ phiếu kỳ vọng từ hưởng lợi từ đầu tư công đang triển khai (Ngân hàng, Bất động sản Nhà ở và Bất động sản Khu công nghiệp và Vật liệu Xây dựng) và Nhóm ngành hưởng lợi từ cầu hồi phục sau COVID-19 (Bán lẻ, Hàng Cá nhân, Thủy sản).

2. Lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp lợi nhuận cao và an toàn

  • Bất chấp những diễn biến không thuận lợi của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế Việt Nam, tác động lớn đến môi trường kinh doanh và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức hai con số, tăng trưởng kép bình quân giai đoạn 2017-2021 đạt xấp xỉ 55%, tổng giá trị phát hành đạt 657 nghìn tỷ đồng trong năm 2021, chưa tính 1,43 tỷ USD trái phiếu huy động trên thị trường nợ quốc tế.
  • Các chuyên gia đánh giá hiện nay thị trường TPDN đã vươn lên trở thành kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế bên cạnh kênh dẫn vốn truyền thống là tín dụng của ngân hàng thương mại và huy động vốn cổ phần từ thị trường chứng khoán bởi tính linh động và thuận lợi của việc điều chuyển vốn, mặc dù đang có những dự thảo thay đổi về khung pháp lý liên quan đến hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ có thể tác động tới hoạt động phát hành trên thị trường trong thời gian tới.

  • Theo dự đoán từ tọa đàm, lãi suất phát hành của TPDN trong năm 2022 sẽ tăng lên đáng kể so với năm 2021 do: (i) áp lực phát hành TPDN để tái tài trợ và huy động vốn để đầu tư mới; (ii) nền lãi suất huy động ngân hàng hiện đang rục rịch tăng trở lại; và (iii) nếu như các điểm đề xuất sửa đổi trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP được thông qua sẽ thắt chặt tiêu chuẩn tham gia phát hành TPDN. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc phần bổ nguồn vốn đầu tư theo thời điểm để tối ưu hóa danh mục đầu tư và cả lưu ý “chọn mặt gửi vàng” với các sản phẩm trái phiếu có mức an toàn cao hoặc rủi ro thấp.
  • Để hỗ trợ nhà đầu tư sàng lọc và tránh các trái phiếu “4 không” (không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không XHTN, không niêm yết), chuyên gia FiinGroup đã nhấn mạnh đến một số giải pháp nhằm phòng tránh rủi ro. Thứ nhất là việc sàng lọc cơ hội đầu tư thông qua việc tự trang bị kiến thức và đánh giá, phân tích rủi ro. Thứ hai, nhà đầu tư sử dụng thêm các kết quả đánh giá độc lập/xếp hạng tín nhiệm làm tham chiếu. Thứ ba, NĐT nên đa dạng hóa các kênh đầu tư có cùng đặc điểm như đầu tư vào các chứng chỉ quỹ, các quỹ mở, v.v. Cuối cùng, NĐT có thể lựa chọn sử dụng các tư vấn chuyên nghiệp hoặc lời khuyên từ cố vấn tài chính.

3. Phân khúc Bất động sản nào còn tiềm năng?

  • Năm 2021, Do ảnh hưởng của Covid-19, nguồn cung căn hộ giảm cả ở HN và TP HCM. Cụ thể nguồn cùng ở Hà nội giàm 7% và ở TP HCM là 20% so với năm 2020, tuy nhiên chũng ta cũng có thể thấy đang có dấu hiệu hồi phục tích cực hơn trong quý 4 có sau giãn cách xã hội. Câu chuyện cũng tương tự đối với phân khúc Biệt Thự và nhà liền kề. Chính vì sự khan hiếm về nguồn cung của các phân khúc này dẫn đến giao dịch Đất nền chiếm tỷ trọng lớn và tập trung phần lớn ở các đô thị cấp 2 và vùng ven. Theo báo cáo từ Bộ xây dựng như quý vị có thể nhìn thấy trên màn hình thì Giao dịch Đất nền chiếm tỷ 60% trong tổng số giao dịch năm 2021 và 91% các giao dịch diễn ra ở ngoài HN và TPHCM, tập trung ở các tỉnh.  Về mặt bằng giá thì giá bất động sản tăng ở tất cả các phân khúc, trong đó tăng mạnh nhất là phân khúc đất nền, theo số liệu từ Bộ Xây dựng thì giá đất nền tăng mạnh nhất (+20-30% YoY), theo sau là nhà liền thổ (+15-20% YoY).
  • Sự sôi động của thị trường bất động sản chủ yếu đến từ vấn đề nguồn cung bị hạn chế, đặc biệt khu vực phía nam (chủ yếu TP.HCM) do đó giá BĐS vẫn tăng, những người có nhu cầu mua nhà buộc phải di chuyển ra các khu vực vùng ven. Bên cạnh đó, các vấn đề vĩ mô như lạm phát hay là lãi suất cũng có những ảnh hưởng nhất định. Ngân hàng đã có những chính sách giảm lãi suất, chủ đầu tư cũng có những lãi suất ưu đã như miễn lãi trong một thời gian nhằm khuyến khích khách hàng mua tài sản sớm hơn. Ngoài ra, kỳ vọng từ chính nhà đầu tư cũng tạo nên sự sôi động này, họ nhận thấy những cơ hội đầu tư “đi sớm đón đầu” khi thị trường khó khan, là thời điểm để mua được BĐS với giá tốt.

 

  • Vậy năm 2022, bên cạnh phân khúc đất nền, phân khúc nào sẽ còn tiềm năng? Chuyên gia đã khẳng định rằng chúng ta cần rất cẩn thận với việc phân tích, NĐT cần xác định mình sẽ thuộc nhóm đầu tư nào, là F0, F1, F2 hay là F3, tham gia vào giai đoạn nào. Quan trọng không phải là thị trường, mà chúng ta chọn phương pháp đầu tư nào và có chiến lược như thế nào thì mọi phân khúc đều sẽ rất tiềm năng. Dù ở bất cứ khu vực nào, thị trường BĐS sẽ luôn như nhiều con sóng hợp lại thành một con sóng lớn, NĐT cần xác định mình sẽ tham gia vào con sóng nào, với NĐT có kỳ vọng lợi nhuận cao hơn, cần “đi trước đón đầu”, tham gia những làn sóng đầu tiên và trở thành NĐT F0, F1, để có sự an toàn hơn, NĐT có thể lựa chọn trở thành F3, F4. Việc lựa chọn là nhà đầu tư F0, F1 sẽ có mức rủi ro thấp hơn so với các F3, F4, F5. Khi tham gia vào một dự án BĐS từ sớm, rủi ro về thị trường gần như không cần quan tâm, thanh khoản không còn là vấn đề phải lo lắng, tuy nhiên cần quan tâm đến các vấn đề về pháp lý. Càng tham gia sâu vào thị trường, càng tham gia vào các giai đoạn sau, các F2, F3, F4 cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ về thanh khoản, về rủi ro thị trường, có thể tham vấn thêm tư vấn từ các chuyên gia BĐS, không nên quá xa khu vực mình ở, vì sẽ xảy ra tình trạng rủi ro chênh lệch thông tin rất lớn nhằm hạn chế tối đa việc "vô tình lướt sóng trở thành cư dân".
  • Việc sử dụng đòn bẩy tài chính cũng có sự khác biệt rõ rang giữa các F, thống kê FINA cho thấy, dùng đòn bẩy của các nhà F0 khoảng 10-20% nhưng với nhà đầu tư ở giai đoạn cuối - F4 thì có đến 70-80% dùng đòn bẩy tài chính để vay mua. Với tài sản hình thành trong tương lai, ngân hàng cho vay tối đa 60-70% giá trị định giá bằng hợp đồng mua bán hoặc thấp hơn. Còn khi tài sản tức là sản phẩm có rồi thì ngân hàng đang cho vay lên đến 80% giá trị định giá.

Trên đây là những điểm chính từ tọa đàm FiinGroup Invest Summit: Triển Vọng Đầu Tư Năm 2022, chúng tôi xin cảm ơn quý vị đã dành thời gian tham gia và tương tác cùng các diễn giả. Chúng tôi tin rằng, tọa đàm đã mang đến góc nhìn phân tích độc lập, chuyên sâu về các kênh đầu tư chính trên thị trường vốn Việt Nam bao gồm: Cổ phiếu, Trái phiếu và Bất động sản qua đó hỗ trợ việc hoạch định kênh tài sản và lên kế hoạch đầu tư đầu tư.

Quý vị có thể download tài liệu tọa đàm

TIẾNG VIỆT

TIẾNG ANH

Xem lại tọa đàm TẠI ĐÂY

FiinGroup

Nguồn: