Ngày 25/02/2022 vừa qua, FiinGroup đã tổ chức thành công tọa đàm FiinGroup Invest Summit: Triển Vọng Đầu Tư Năm 2022. Sự kiện thường niên này của FiinGroup đã mang đến cho nhà đầu tư góc nhìn phân tích độc lập, chuyên sâu về các kênh đầu tư chính trên thị trường vốn Việt Nam: Cổ phiếu, Trái phiếu và Bất động sản. Đặc biệt, những phân tích về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2022 đã thu được thu quan tâm của đông đảo nhà đầu tư.
Trước khi đưa ra nhận định về triển vọng 2022, chúng ta cùng nhìn lại bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021. Hai điểm nổi bật nhất bao gồm:
- Lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng rất cao (+43%) trong năm 2021, nhờ diễn biến tích cực trong hai quý đầu năm.
- Tăng trưởng chỉ tập trung ở một số nhóm ngành nhất định, bao gồm Ngân hàng, Chứng khoán, nhóm ngành hưởng lợi từ COVID-19 như Logistics và Vận tải thủy, nhóm Hàng hóa như Thép, Dầu khí, Phân bón, Hóa chất. Những nhóm ngành này đóng góp tới 80% vào tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường trong năm 2021 mặc dù chỉ chiếm chưa đến 20% vốn hóa.
Về triển vọng tăng trưởng năm 2022, từ số liệu của FiinGroup và phân tích chuyên sâu từ các diễn giả đã chỉ ra rằng tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức 20% trong năm 2022 và thị trường sẽ chứng kiến sự “đổi chiều tăng trưởng” mạnh mẽ giữa các nhóm ngành, cụ thể là:
- Thứ nhất, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng dự kiến sẽ vượt trội hơn so với khối doanh nghiệp phi tài chính, và đây là điểm khác biệt so với năm 2021 khi lợi nhuận ngành ngân hàng tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng chung của thị trường. Ngành Ngân hàng được dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 20-25% năm 2022 nhờ nhờ các yếu tố sau: (i) tín dụng dự kiến tăng 14% với sự hồi phục kinh tế cùng gói kích thích của chính phủ; (ii) NIM tiếp tục duy trì kể cả khi lãi suất huy động tăng do các ngân hàng sẽ cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp; (iii) thu nhập phí tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi kinh tế phục hồi; và (iv) một số ngân hàng đã trích lập sớm trước thời hạn của Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ không phải trích lập và/hoặc có cơ hội hoàn nhập dự phòng do một phần nợ xấu do ảnh hưởng bởi COVID sẽ giảm áp lực trước sự hồi phục của nhiều nhóm ngành.
- Thứ hai, nhiều ngành tăng trưởng mạnh trong năm 2021 dự kiến có lợi nhuận tăng chậm lại hay gần như không tăng trưởng trong năm 2022, trong đó bao gồm Thép, Cao su và Logistics.
- Thứ ba, những nhóm suy giảm do COVID-19 dự kiến hồi phục mạnh trong năm nay khi các hoạt động kinh tế bình thường trở lại, trong đó bao gồm Hàng cá nhân, Dược phẩm, Bán lẻ, Điện và Đồ uống.
Nhìn chung, triển vọng chung về tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn khá tích cực và đây sẽ là động lực cơ bản và trọng yếu hỗ trợ thị trường trong năm 2022.
Quý vị có thể download tài liệu tọa đàm TẠI ĐÂY.
Xem lại tọa đàm đầy đủ TẠI ĐÂY.