Mức tăng giá khá nóng của nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm ngành “ngược sóng” thời gia qua là trở ngại cho dòng tiền mới tham gia. Ước tính sơ bộ cho thấy lợi nhuận sau thuế Q1/2022 của 360 doanh nghiệp và ngân hàng này tăng trưởng 103,2% so với cùng kỳ...
Số liệu mới nhất từ FiinGroup cho thấy, tính đến ngày 22/4/2022, có 360/1726 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết chiếm 20% tổng giá trị vốn hóa trên HoSE, HNX và UPCoM đã có báo cáo chính thức hoặc ước tính về kết quả kinh doanh cho Q1/2022, trong đó bao gồm 9/27 ngân hàng và 333/1634 doanh nghiệp phi tài chính.
Ước tính sơ bộ của FiinTrade cho thấy lợi nhuận sau thuế Q1/2022 của 360 doanh nghiệp và ngân hàng này tăng trưởng 103,2% so với cùng kỳ.
LỢI NHUẬN NGÂN HÀNG TĂNG CAO NHƯNG GIÁ CỔ PHIẾU KHÓ TĂNG THEO
Cụ thể, khối tài chính, quý vừa qua, lợi nhuận sau thuế của 9/27 ngân hàng tăng 106,1% so với cùng kỳ và 183,6% so với quý 4/2021. Tăng trưởng tích cực này chủ yếu được đóng góp bởi VPB nhờ ghi nhận phí trả trước từ hợp đồng bancassurance với AIA và LPB nhờ thu hồi lãi từ các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu trước đây.
Đánh giá của FiinGroup cho rằng, mức tăng trưởng này chưa phản ánh đầy đủ bức tranh lợi nhuận của ngành Ngân hàng trong quý 1 do một số ngân hàng lớn như VCB, TCB và CTG chưa công bố kết quả kinh doanh Q1/2022. Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế đã dần hồi phục và tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 3/2022 ước tăng 5,04% so với cuối năm 2022, lợi nhuận chung của ngành dự kiến tăng mạnh trong quý 1 này.
Giá cổ phiếu ngân hàng đang đi ngược với những diễn biến về tăng trưởng lợi nhuận, giảm -4,3% so với cuối năm 2021. Định giá của cổ phiếu Ngân hàng đang tiệm cận về mức trung bình 3 năm, tuy nhiên thanh khoản toàn thị trường chưa thực sự cải thiện và triển vọng lợi nhuận của ngành chưa có dấu hiệu đột phá khiến cổ phiếu Ngân hàng khó có thể lội ngược dòng trong các tháng gần đây.
Nhóm dịch vụ tài chính có mức tăng trưởng đứng thứ hai sau ngân hàng. Quý 1/2022, ước tính từ 15/53 doanh nghiệp cho thấy tăng trưởng lợi nhuận đạt 39,1% so với cùng kỳ trong khi đó giá cổ phiếu nhóm này đã giảm 16,4%.
Nhóm bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất với mức tăng trưởng 4% được tính từ 3/12 doanh nghiệp niêm yết. Dù vậy, đây lại là nhóm có mức tăng trưởng cao nhất về giá cổ phiếu, tính từ đầu năm cổ phiếu nhóm này đã tăng 15%.
DÒNG TIỀN MỚI NGẠI THAM GIA VÌ MỨC TĂNG GIÁ QUÁ NÓNG CỦA NHÓM PHÂN BÓN HOÁ CHẤT
Với khối phi tài chính, lợi nhuận sau thuế của 332/1634 doanh nghiệp Phi tài chính tăng 113,1%, dẫn dắt bởi những nhóm ngành vốn bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 trong năm 2021, bao gồm Hàng cá nhân (PNJ), Thủy sản (VHC, FMC, CMX, ACL) và May mặc (TNG, NDT, TCM) và những ngành hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng vì cuộc chiến giữa Nga-Ukraine, bao gồm Phân bón (DPM, DCM, và DDV) và Hóa chất (DGC).
Cụ thể, với nhóm Thủy sản, lợi nhuận sau thuế tăng 238% so với cùng kỳ trên nền doanh thu tăng 49,2% nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và biên EBIT mở rộng (+6,3 điểm phần trăm YoY) do tăng giá bán và tận dụng hàng tồn kho giá thấp. Tăng trưởng chủ yếu đến từ VHC (+320,5%) và ACL (+472,6%). Triển vọng lợi nhuận trong các quý tiếp theo tiếp tục khả quan nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh ở nhiều thị trường trọng điểm trong khi nguồn cung thiếu hụt.
Với nhóm Phân bón, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao nhất toàn thị trường ghi nhận 663,4% chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng cao do đẩy mạnh xuất khẩu vì quý 1 và quý 2 là thời điểm vào vụ thu hoạch nên nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước thường ở mức thấp. Khi nhu cầu trong nước tăng trở lại vào nửa cuối năm, việc xuất khẩu sẽ bị hạn chế để đảm bảo nguồn cung trong nước giúp bình ổn giá.
Trong bối cảnh chi phí đầu vào tiếp tục ở mức cao, đây là trở ngại với tăng trưởng lợi nhuận của nhóm này trong các quý tới do bị hạn chế về khả năng tăng giá bán trong nước (tác động lên biên lợi nhuận) và dư địa mở rộng công suất không còn nhiều.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trên thị trường chứng khoán, Phân bón, Hóa chất, Hàng cá nhân, Thủy sản, May mặc là những nhóm ngành “ngược sóng” so với thị trường chung trong giai đoạn vừa qua.
Ngoài câu chuyện về tăng trưởng lợi nhuận tích cực, xét theo quy mô vốn hóa, đây chủ yếu là các nhóm ngành nhỏ chiếm tỷ trọng <1% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường/ngành và có lượng cổ phiếu lưu hành không quá lớn nên khá thuận lợi để thu hút dòng tiền trong bối cảnh thanh khoản thị trường kém tích cực.
Tuy nhiên, mức tăng giá khá nóng của nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm ngành này là trở ngại cho dòng tiền mới tham gia. Chỉ số dòng tiền tích lũy của FiinTrade (FMI) cho thấy sự phân kỳ giữa chỉ số giá và dòng tiền của nhóm Sản phẩm hóa dầu, Nông dược & Hóa chất khác. Rủi ro tăng lên khi chỉ số giá nhóm ngành này vừa tạo mô hình hai đỉnh và đang tiến sát mức đáy giữa hai đỉnh này.
Cuối cùng, với nhóm Nước, lợi nhuận sau thuế của 24/68 doanh nghiệp chiếm 66% vốn hóa ngành giảm 14,5% cho dù doanh thu tăng mạnh tăng 9,1% nhờ sản lượng tiêu thụ nước hồi phục và giá bán tăng. Đây là mức tăng trưởng doanh thu cao nhất cho một quý kể từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam.
Sự sụt giảm về lợi nhuận của nhóm Nước chủ yếu đến từ TDM do không có khoản cổ tức từ BWE trong quý 1 (đã ghi nhận một lần trong Q4-2021) trong khi doanh nghiệp đầu ngành nước là BWE có doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt là 23,4% và 11,4%.
Date: 18/11/2024
Date: 08/11/2024
Date: 06/11/2024