Thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam đã trải qua năm 2022 đầy thách thức, nhân dịp đầu xuân năm mới 2023, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Điều hành, Khối Dịch vụ Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn, FiinGroup đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trong số Chào Năm Mới 2023.
Theo đánh giá của ông Lê Xuân Đồng, việc điều hành chính sách tiền tệ đã được ngân hàng nhà nước thực hiện một cách linh hoạt, nhịp nhàng, góp phần quan trọng giúp ổn định thị trường trong những lúc khó khăn, qua đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Sự linh hoạt và nhịp nhàng trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của thị trường Tài chính Ngân hàng năm 2022, ông Đồng cho rằng, NHNN đã sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ tỷ giá, như: bán ngoại tệ, điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường thông qua các hoạt động mua bán tín phiếu NHNN trên thị trường mở, tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động dưới 6 tháng (2 lần). Dù đâu đó vẫn có lúc còn bị động và chưa được khéo léo nhưng nhìn chung NHNN đã đóng góp quan trọng ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tương đối tốt; tuy nhiên, bước sang Quý II và III/2022, kết quả kinh doanh đã có sự phân hóa rõ rệt
Theo ông Đồng, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố đầu vào như lãi suất VND và tỷ giá VND/ USD tăng mạnh, việc tiêu thụ sản phẩm suy giảm do mặt bằng lãi suất tăng cao, nhu cầu thị trường nội địa giảm. Trái lại, các doanh nghiệp có dòng tiền ổn định, thể hiện sức khỏe tài chính tốt và kết quả kinh doanh ổn định trong suốt năm qua là các doanh nghiệp ít sử dụng đòn bảy tài chính.
Để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, ông Lê Xuân Đồng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh bằng cách đa dạng hóa thị trường và tệp khách hàng mục tiêu cũng như không nên trông chờ vào nguồn vốn từ những “gói cứu trợ” của Chính phủ trong thời gian tới.
Năm 2023 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn và đầy thử thách đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng
Trong năm 2023, kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đối mặt với các tác động tiêu cực từ bên ngoài (điều chỉnh chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, cầu tiêu dùng suy giảm, xung đột địa chính trị kéo dài…). Điều này sẽ khiến cho việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP được Quốc hội giao ở mức 6,5% sẽ là một thách thức lớn. Do đó, để đạt được chỉ tiêu GDP đặt ra cho năm 2023, Chính phủ cần giải quyết tốt 3 trụ cột: giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ông Đồng cũng đưa ra những nhận định, dự báo trong năm 2023 với Hệ thống Ngân hàng Việt Nam, Thị trường Chứng khoán, Thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp cũng như Kinh tế vĩ mô nói chung. Từ những phân tích chuyên sâu, ông Lê Xuân Đồng bày tỏ sự tin tưởng: “Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tôi tin rằng, với nền tảng đã xây dựng được qua các năm, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ vững vàng vượt qua năm 2023 với những kết quả ấn tượng.”
Chi tiết bài phỏng vấn, vui lòng xem TẠI ĐÂY