M&A ngân hàng: Cửa nào cũng thoáng

22 September 2023 - 09:43 AM Alternate Text

 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế - xã hội Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức từ kinh tế toàn cầu. Chính những sự bất ổn này đã dẫn đến đà vươn lên các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mua bán – sáp nhập (M&A) ngân hàng Việt Nam và khiến cho hoạt động đầu tư của nhiều công ty nội địa gặp khó khăn.

Bình luận về chủ đề này, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, FiinGroup đã có một vài nhận xét về thực trạng hiện tại với hoạt động tại Việt Nam trong thời gian gần đây cũng như đề xuất một số giải pháp cho thị trường này. 

Hệ thống các tổ chức tín dụng là “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam, có tiềm năng tăng trưởng cao nên các tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng luôn là các mục tiêu M&A hấp dẫn cho các định chế tài chính nước ngoài có tiềm lực và có tầm nhìn dài hạn.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp và các khách hàng cá nhân gặp khó khăn nên nhu cầu vay vốn giảm, nợ xấu tăng cao, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thấp và suy giảm do nợ xấu tăng … Tuy nhiên, đây được xem là những khó khăn ngắn hạn nhưng lại là cơ hội tốt để các nhà đầu tư chiến lược dài hạn có thể tham gia vào lĩnh vực này.

Tình hình huy động vốn dài hạn qua thị trường cổ phiếu rất thấp (do thiếu vắng các đợt IPO hoặc phát hành riêng lẻ quy mô lớn); thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và có thể mất thêm nhiều năm thì mới có thể phục hồi hoàn toàn nên các ngân hàng vẫn sẽ đóng vai trò là kênh cung cấp vốn ngắn hạn chính và một phần vốn trung/dài hạn cho các doanh nghiệp trong các năm tới đây.

Đối với các ngân hàng trong nước đang được NHNN kiểm soát đặc biệt thì các định chế tài chính nước ngoài không thể mua và phục hồi thành công các ngân hàng này do:

  1. Nhà đầu tư nước ngoài thường không đủ nguồn nhân lực và sự am hiểu sâu sắc về thị trường nội địa để có thể xử lý tốt danh mục nợ xấu lớn và phức tạp của các ngân hàng này, cũng như đàm phán với những tổ chức gửi tiền lớn tại các ngân hàng.
  2. Số tiền các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cần góp thêm để bù đắp vốn chủ sở hữu đã bị suy giảm do nợ xấu cũng như tuân thủ mức vốn điều lệ tối thiểu của ngành ngân hàng là rất lớn, dẫn đến tổng chi phí mua lại các ngân hàng này thường vượt quá ngân sách dự kiến của họ.

Việc chuyển giao bắt buộc một số ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt cho các ngân hàng lớn trong nước có thể giúp xử lý triệt để các ngân hàng này trong thời gian tới (thay vì trông chờ vào việc tham gia của các định chế tài chính nước ngoài thông qua M&A như trước đây) do:

  1. Quy mô của các ngân hàng này khá nhỏ (chỉ tương đương với một vài chi nhánh lớn của các ngân hàng có vốn nhà nước)
  2. Các ngân hàng lớn trong nước có đủ nguồn nhân lực, với nhiều kinh nghiệm xử lý nợ xấu, am hiểu văn hóa kinh doanh cũng như khách vay, hoàn toàn có thể xử lý được các vấn đề khó khăn mà nhà đầu tư nước ngoài gặp phải.

Phương án này có thể không áp dụng đối với SCB (ngân hàng được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt năm ngoái) do quy mô rất lớn và tính chất phức tạp của danh mục cho vay và đầu tư của ngân hàng này.

Trong vài năm trở lại đây, FiinGroup đã thực hiện nhiều dự án tư vấn trong các giao dịch M&A thuộc lĩnh vực ngân hàng thương mại, các công ty tài chính và các định chế tài chính nước ngoài tại Việt Nam.

Quý vị cũng có thể theo dõi lại toàn bộ nội dung bài phỏng vấn trên website của Tạp Chí Đầu tư Chứng Khoán tại đây.

Để tìm hiểu thêm về các dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn của FiinGroup cũng như sự hỗ trợ của chúng tôi, xin vui lòng truy cập: https://fiinresearch.vn/ hoặc liên hệ theo địa chỉ: research.support@fiingroup.vn.

FiinGroup

Nguồn: