Những biến động trên thị trường sau tuyên bố thuế quan của Mỹ vừa rồi đã khiến chúng ta nhận thức rõ ràng về những nguy cơ có thể cản trở sự tăng trưởng của xuất khẩu Việt Nam. Nhu cầu đa dạng hóa thị trường đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, cũng như nhu cầu thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng thông qua bảo hiểm tín dụng thương mại và ứng dụng dữ liệu, công nghệ để mở rộng thị trường xuất khẩu, bảo vệ doanh thu và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt.
Xoay quanh những vướng mắc của các doanh nghiệp Việt về vấn đề thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng, các chuyên gia đến từ FiinGroup, IFC, Q&X Hongkong và Atradius đã có những chia sẻ giá trị để tháo gỡ. Cụ thể như sau:
1. Cách tận dụng bảo hiểm tín dụng thương mại cụ thể nên triển khai như thế nào? Bên cạnh lợi ích tối ưu dòng tiền thì có rủi ro thách thức nào doanh nghiệp nên cân nhắc?
Bà Vũ Thị Đức Hạnh, Giám Đốc Quốc Gia, Atradius Việt Nam:
Bảo hiểm tín dụng thương mại giúp bảo vệ các khoản phải thu từ hoạt động bán hàng trả chậm, bằng cách nhà bảo hiểm sẽ chi trả cho doanh nghiệp khi khách hàng không thanh toán do phá sản, vỡ nợ, rủi ro chính trị hoặc lý do khác theo hợp đồng bảo hiểm. Qua đó, bảo hiểm tín dụng thương mại giúp doanh nghiệp bảo vệ dòng tiền, mở rộng thị trường, tiếp cận thông tin thông minh về thị trường, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn từ ngân hàng, v.v.
Doanh nghiệp nên cân nhắc sử dụng nếu:
Có hoạt động bán hàng trả chậm
Muốn tăng doanh số, thâm nhập thị trường mới
Cần kiểm soát rủi ro tín dụng và cải thiện quản trị tài chính
Khi có nhu cầu, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhà bảo hiểm tín dụng thương mại Atradius và đối tác Công ty Bảo hiểm Tokio Marine, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt để được hướng dẫn và chào phí cụ thể.
Cá nhân tôi không thực sự thấy bất kỳ rủi ro thách thức nào mà doanh nghiệp phải cân nhắc khi sử dụng bảo hiểm tín dụng thương mại. Ngoài các lợi ích nêu trên, việc có bảo hiểm tín dụng thương mại còn tao điều kiện cho doanh nghiệp cải tiến quy trình quản lý tín dụng nội bộ. Với môi trường kinh tế biến động không ngừng, chuỗi cung ứng nhạy cảm với các biến động môi trường chung, v.v khi có sự cố xảy ra, bảo hiểm tín dụng là giải pháp kinh tế và tối ưu giúp bảo vệ doanh thu của doanh nghiệp xuất khẩu.
2. Các sản phẩm bảo hiểm tín dụng thương mại phổ biến bao gồm những gì?
Ông Wang Hui - Chuyên gia bảo hiểm tín dụng thương mại, Công ty Môi giới Bảo hiểm Q&X (HK) Ltd:
Các sản phẩm bảo hiểm tín dụng thương mại phổ biến gồm:
Bảo hiểm toàn bộ doanh thu ngắn hạn: Bảo hiểm cho một người bán với nhiều người mua
Bảo hiểm người mua được chọn: Chỉ bảo hiểm cho một số người mua nhất định
Bảo hiểm người mua đơn lẻ: Một hoặc nhiều người bán bảo hiểm cho một người mua
Chính sách bảo hiểm cho ngân hàng/bao thanh toán: Hỗ trợ tài trợ thương mại qua ngân hàng và công ty bao thanh toán
Tài trợ nhà phân phối: Bảo hiểm rủi ro trong tài trợ cho nhà phân phối
Bảo hiểm tín dụng khoản tài trợ thương mại: Bảo vệ khoản vay thương mại khỏi rủi ro vỡ nợ
Bảo hiểm thanh toán trước: Đảm bảo cho khoản thanh toán trước của người mua.
3. Vai trò của Ngân hàng và Bảo hiểm trong chuỗi giao dịch có liên quan tới nhau như thế nào khi bảo hiểm đứng trên phương diện bảo vệ cho doanh nghiệp và ngân hàng đóng vai trò trung gian cho người mua và người bán?
Ông Jinchang Lai, Giám đốc điều hành & Trưởng bộ phận Cơ sở hạ tầng Tài chính, Châu Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính Thế giới (IFC), Ngân hàng Thế giới:
Bảo hiểm tín dụng giúp giảm rủi ro cho các bên cho vay trong tài trợ chuỗi cung ứng (SCF) bằng cách bảo vệ họ trước nguy cơ người mua không thanh toán. Nhờ đó, các tổ chức tài chính có thể cung cấp khoản vay với điều kiện tốt hơn, giúp doanh nghiệp nhỏ dễ dàng tiếp cận vốn hơn. Do đó, bảo hiểm tín dụng được sử dụng rộng rãi bởi các ngân hàng, quỹ tài trợ thương mại, quỹ SCF và các công ty bao thanh toán trong các giao dịch tài trợ thương mại khác nhau.
Đối với doanh nghiệp các khoản phải thu được bảo hiểm trở thành tài sản thế chấp đáng tin cậy, tăng cường khả năng huy động vốn và mở rộng quy mô tài trợ.
4. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị từ chối thanh toán với lý do “hàng không đạt chất lượng”, trong khi thực tế bên mua gặp khó khăn tài chính và cố tình thoái thác. Các trường hợp này thường không được bảo hiểm tín dụng chi trả, dẫn đến tranh chấp kéo dài và thiệt hại lớn. Doanh nghiệp Việt nên ứng phó thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Hiệu - Tổng giám đốc FiinGroup:
Các trường hợp này đều xuất phát từ nguyên nhân là đối tác có sức khỏe tài chính kém hoặc uy tín thấp. Chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp cần chú trọng về áp dụng công nghệ và quản trị rủi ro, đặc biệt thu thập dữ liệu đối tác trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nên kiểm tra sức khỏe tài chính đối tác và theo dõi liên tục, sát sao để tránh các rủi ro thanh toán. Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý về kiểm tra dữ liệu trước khi ký hợp đồng và nên thông qua xác nhận của bên thứ ba, tránh tình trạng khi tranh chấp xảy ra, cực chẳng đã mới kiểm tra xử lý thì rủi ro cao hơn.
Tìm hiểu thêm thông tin về sự kiện TẠI ĐÂY
#FiinGroup #EnlightenTheMarket #LeadTheWayToSuccess #BusinessInformation #FiinGate #IFC #Atradius #SECO #FIDN #Q&XHongkong #TradeInsurance #TradeCredit #Export #SupplyChainFinance #SupplyChainManagement