Doanh nghiệp chạy đua đầu tư điện mặt trời

26 June 2019 - 07:01 PM Alternate Text

(NDH) Với cơ chế giá điện hấp dẫn cho các dự án được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) trước 30/6, nhiều doanh nghiệp đã và đang tham gia đầu tư điện mặt trời, chạy đua để được hưởng ưu đãi.

 

CTCP Điện Gia Lai (Điện Gia Lai - UPCoM: GEG), đơn vị thuộc Tập đoàn Thành Thành Công, vừa báo kết quả quý I với doanh thu 174 tỷ đồng, cao hơn 44% so với cùng kỳ 2018. Riêng mảng bán điện tăng 62%, đóng góp 51% từ điện mặt trời, trong khi thủy điện giảm từ 87% xuống còn 47%. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 33% lên 50,2 tỷ đồng.

Điện Gia Lai là một trong những doanh nghiệp có 2 dự án điện mặt trời hòa vào mạng lưới quốc gia sớm nhất tại Việt Nam. Nhà máy điện mặt trời Phong Điền - Huế công suất 48 MW đóng điện vào tháng 10/2018. Nhà máy Krong Pa - Gia Lai có công suất 69 MW hòa lưới vào tháng 12 cùng năm.

Việc đưa 2 nhà máy điện vào hoạt động đóng góp sự chuyển biến kết quả của Điện Gia Lai trong quý đầu năm. Doanh nghiệp này cũng vừa phát điện thành công 2 dự án khác là nhà máy điện mặt trời Đức Huệ 1 - Long An và Hàm Phú 2 - Bình Thuận công suất 49 MWp, đồng thời ký hợp đồng bán điện giá 9,35 cent/kWh. 2 nhà máy này dự kiến vận hành thương mại trước 30/6. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đang triển khai 4 dự án điện mặt trời khác tại Bình Thuận, Ninh Thuận…

Nhà máy điện Phong Điền của Điện Gia Lai. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế.

Không riêng Điện Gia Lai, nhiều doanh nghiệp cũng đang tăng tốc hoàn thành nhà máy điện mặt trời nhằm hưởng ưu đãi giá bán điện 9,35 cent/kWh trong 20 năm, cho các dự án trước 30/6 theo Quyết định 11 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2 - HNX: TV2) đang triển khai các dự án điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1, Ninh Phước 6.1 và Ninh Phước 6.2. Trong đó, dự án điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 công suất 50 MW tại Bình Thuận có tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, dự kiến phát điện trong tháng 6. Nhà máy điện mặt trời Ninh Phước 6.1 công suất 8,3 MW. Còn nhà máy Ninh Phước 6.2 công suất 50 MWp, dự kiến được đưa vào vận hành trong quý II.

CTCP Thủy điện Miền Trung (HoSE: CHP) cũng đang đầu tư nhà máy điện mặt trời Cư Jút 50 MW đặt tại Đăk Nông. Với tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng, dự án được triển khai từ tháng 6/2017 và dự kiến sẽ hoàn thành và phát điện thương mại vào tháng 6.

Tổng Công ty Phát điện 3 (GENCO 3 - UPCoM: PGV) cũng đang sở hữu 3 dự án điện mặt trời gồm Vĩnh Tân 2 với công suất 42,65 MW, vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự án Ninh Phước 7 công suất 200 MW và dự án điện mặt trời lòng hồ Buôn Kuôp và Srêposk 3 công suất 100 MW.

Đơn vị ngoài ngành "lấn sân"

Không riêng các doanh nghiệp điện, nhiều công ty ngoài ngành cũng tham gia làm điện mặt trời.

Đơn cử như Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG), doanh nghiệp đa ngành với trọng tâm chính là bất động sản, từng tham gia lĩnh vực thủy điện, cũng bắt kip cơ hội tham gia vào điện mặt trời với Hồng Phong 4. Dự án có công suất 48 MW tại Bình Thuận, đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và hợp đồng tín dụng hạn mức 750 tỷ với Vietcombank.

Một doanh nghiệp bất động sản khác cũng đang tích cực tham gia vào dự án điện mặt trời là CTCP Tập đoàn Sao Mai, đang triển khai nhà máy An Hảo giai đoạn 1+2 với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Sao Mai cũng mua lại CTCP Điện mặt trời EuroPlast Long An để sở hữu nhà máy công suất 50 MW, dự kiến phát điện trước tháng 6. Theo thống kê của FiinPro, Sao Mai có 4 dự án tại An Giang là các nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 210 MW.

 

Danh sách một số dự án điện mặt trời do doanh nghiệp triển khai. Ảnh: L. Hải.

Hay một doanh nghiệp khác là CTCP FECON (HoSE: FCN), hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, xây dựng vừa qua cũng chính thức bán điện thương mại tại dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Dự án được triển khai từ cuối 2018 với tổng mức đầu tư 1.360 tỷ đồng, do FECON hợp tác với Acwa Power triển khai, ước tính sẽ cung cấp 83 triệu kWh điện mỗi năm. Từ 18/6, Nhà máy Vĩnh Hảo 6 được đưa vào vận hành thương mại sau khi hoàn tất các quy trình thử nghiệm. Dự kiến, dự án sẽ cung cấp 83 triệu KWh/năm lên lưới điện quốc gia.

Bamboo Capital (HoSE: BCG), đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý, đầu tư, cũng "nhảy" vào điện mặt trời với 5 dự án trên đất và hồ với tổng công suất 590 MW tại Long An và Quảng Nam. Các nhà máy được triển khai năm 2018 và 2019 với tổng mức đầu tư hơn 14.640 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án điện mặt trời trên nước nằm ở Phú Ninh, Khe Tân, Krong Buk Ha tại Đắk Lắk và Quảng Nam.

Một doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng tham gia làm điện mặt trời là CTCP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang của doanh nhân Lê Anh Đức, được biết đến là người mang cá tầm Việt Nam ra quốc tế và chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản tại Nha Trang. Dự án này nằm tại Phước Hữu, Ninh Thuận. Nhà máy này có công suất 65 MW với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Hấp dẫn cả doanh nghiệp ngoại

“Sức nóng” của đầu tư điện mặt trời lan sang cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Mới đây, Công ty năng lượng B.Grimm Power thuộc tập đoàn Thái Lan B.Grimm vừa bắt đầu vận hành thương mại 2 dự án điện Mặt Trời ở Tây Ninh và Phú Yên với tổng công suất 677 MW.

Năm trước, Sermsang International của Thái Lan mua 80% cổ phần dự án điện mặt trời Bình Nguyên ở Quảng Ngãi, quy mô 49,61 MW. Sermsang đã chi 17,6 triệu USD trong thương vụ này bao gồm 10,8 triệu USD mua cổ phần hiện hữu và 6,8 triệu USD mua cổ phần phát hành thêm.

Không chỉ Thái Lan, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang quan tâm tới điện mặt trời của Việt Nam. CTCP Năng lượng QN vừa được chấp thuận đầu tư dự án điện mặt trời QNY tại Khu kinh tế Nhơn Hội với tổng mức đầu tư 1.612 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 40 MW, trên diện tích 48 ha.

Cập nhật công suất điện mặt trời trước 30/6. Đồ hoạ: Trà My.

 

Hay Tập đoàn Scatec Solar (Na Uy) cũng dự kiến hợp tác đầu tư giá trị khoảng 500 triệu USD vào dự án sản xuất điện từ năng lượng mặt trời với công nghệ mới nhất.

Trả lờiNgười Đồng Hành,ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc FiinGroup - doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tích hợp về dữ liệu tài chính, thông tin kinh doanh, nghiên cứu ngành - cho rằng rủi ro đấu nối với EVN là lớn vì hệ thống của EVN có thể xảy ra quá tải.

Một số doanh nghiệp sẽ cần đầu tư thêm thiết bị lưu trữ điện năng. Với một dự án điện mặt trời công suất khoảng 500 MW, theo ông Thuân, trang bị ắc-quy sẽ làm suất đầu tư tăng lên thêm khoảng 10 triệu USD.

Chủ đầu tư, đặc biệt là các đơn vị có dự án tại các tỉnh nhiều nhà máy điện mặt trời như Tây Ninh, Bình Thuận, sẽ gánh chịu việc này. EVN muốn đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền tải điện cần một thời gian dài. “Hệ thống không tải nổi thì phải đầu tư thêm một ắc quy to, nôm na là thế!”, ông Thuân cho biết.

Chính sách khuyến khích điện mặt trời đã đặt các doanh nghiệp đầu tư vào "đường đua". Những đơn vị nào cán vạch đích trước 30/6 sẽ dần lộ diện. Những đơn vị có thể tận dụng được ưu đãi này và các dự án nằm trong phân nửa công suất mà EVN không đấu nối cũng sẽ dần xuất hiện.

Source: ndh.vn

NDH

Nguồn: https://ndh.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-chay-ua-au-tu-ien-mat-troi-1241570.html