Một báo cáo thống kê của FiinGroup về kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2020 của nhóm doanh nghiệp phi tài chính trên thị trường chứng khoán cho thấy doanh thu và lợi nhuận của khối này đang trên đà phục hồi mạnh. Mặc dù vậy, kết quả đạt được vẫn chưa thể về mức trước thời điểm dịch Covid-19.
Theo đó, doanh thu và lợi nhuận khối phi tài chính (không bao gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư) vẫn giảm lần lượt là 8,4% và 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính của việc suy giảm này do sự hồi phục chậm ở các ngành có sự ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 bao gồm ngành dầu khí và du lịch & giải trí. Theo FiinGroup, nếu loại bỏ 2 nhóm ngành trên, 14/16 ngành còn lại cho doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 6,2% và 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng này chủ yếu đến từ sự hồi phục mạnh mẽ của các ngành bất động sản, F&B và tài nguyên cơ bản.
Một điểm tích cực là so sánh với quý liền kề trước là quý 2/2020, khối phi tài chính ghi nhận doanh thu thuần tăng trở lại sau khi giảm liên tiếp hai quý trước đó.
Các ngành lớn duy trì sự tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận bao gồm tài nguyên cơ bản với tăng trưởng chủ yếu từ nhóm thép mà đứng đầu là Hòa Phát và Hoa Sen nhờ xuất khẩu thép Trung Quốc tăng mạnh.
Sự phục hồi không chỉ đến từ các doanh nghiệp lớn đầu ngành mà còn từ các doanh nghiệp nhỏ hơn. Chẳng hạn trong lĩnh vực bất động sản, không chỉ doanh nghiệp lớn như Vinhomes phục hồi lợi nhuận mà những doanh nghiệp còn lại như Hưng Thịnh, Novaland, Khang Điền, Becamex cũng cho thấy điều này.
Tương tự, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lợi nhuận tăng trưởng không đến từ doanh nghiệp đầu ngành như FPT mà đến từ nhóm có quy mô nhỏ hơn như CMC, SAM và ICT.
Ở chiều ngược lại, các ngành vẫn chưa thể hồi phục do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bao gồm du lịch & giải trí, dầu khí, hàng và dịch vụ công nghiệp. Riêng ngành tiện ích (phân phối xăng dầu, điện, nước, khí đốt…), vốn được xem là ngành có tính “phòng thủ” kể cả trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng ghi nhận sự sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận trong quý 3.
Dù đã có sự cải thiện mạnh mẽ, song chất lượng lợi nhuận vẫn chưa phục hồi tương ứng do nhiều doanh nghiệp ghi nhận lãi lớn từ hoạt động tài chính.
Các chỉ số phản ánh chất lượng lợi nhuận bao gồm lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) và lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) lần lượt giảm 20,1% và 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý suy giảm thứ 4 liên tiếp đối với EBIT và thứ 3 đối với EBITDA, nối tiếp xu hướng giảm kể từ quý 2/2019, gần 3 quý trước khi Covid-19 bùng phát ở Việt Nam.
Một điểm sáng đáng ghi nhận đó là tốc độ suy giảm EBIT và EBITDA chậm lại và chưa bằng một nửa mức giảm trong quý 2. Điều này cho thấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi đang dần hồi phục, nhưng tốc độ hồi phục chưa tương ứng với lợi nhuận kế toán.
Các ngành viễn thông, truyền thông, ô tô & phụ tùng ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng mạnh nhất trong quý 3/2020. Nhóm F&B cũng có EBIT tăng 15,9%, tốt hơn rất nhiều so với tăng trưởng lợi nhuận kế toán.
Trong khi đó là bất động sản, hóa chất, bán lẻ, và xây dựng & vật liệu có lợi nhuận kế toán quý 3 tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ bù đắp bởi nguồn thu từ hoạt động tài chính (do EBIT giảm). Điều này cho thấy chất lượng lợi nhuận của các ngành này vẫn chưa được cải thiện so với cùng kỳ năm trước.
Dù vẫn còn chịu ảnh hưởng từ đại dịch, song tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 của khối doanh nghiệp phi tài chính dự kiến sẽ hồi phục mạnh mẽ trong bối cảnh hiện có nhiều thông tin tích cực về vắc xin Covid-19, yếu tố nền tảng cơ bản dần cải thiện, cầu tiêu dùng hồi phục và nguồn vốn giá rẻ đang dư thừa.
Date: 18/11/2024
Date: 08/11/2024
Date: 06/11/2024