Sức ép giảm lợi nhuận để giảm lãi vay

13 March 2021 - 09:37 AM Alternate Text

 

Năm 2020, lãi suất điều hành giảm sâu đã tạo điều kiện cho các lãi suất trên thị trường xuống mức thấp kỷ lục. Xu hướng này liệu có tiếp tục duy trì hay sẽ đảo chiều trong năm 2021?

Lãi suất ổn định những tháng đầu năm

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND có xu hướng giảm so với cùng thời điểm này năm 2020 và cuối năm 2019. Hiện đối với các lĩnh vực sản xuất, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3 - 4,5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 4,2 - 6%/năm. Trong những ngày đầu năm 2021, biểu lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng niêm yết đều duy trì mức thấp như cuối năm 2020, thậm chí còn điều chỉnh giảm nhẹ.

Cụ thể, Vietcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 3 và 6 tháng 0,1% xuống còn 3,3% và 3,9%; kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% xuống còn 5,5%/năm và kỳ hạn 24 tháng giảm 0,3%/năm xuống 5,4%/năm.

VietinBank, BIDV, Agribank duy trì biểu lãi suất cũ. Trong đó, lãi suất cao nhất là 5,6%/năm cho các khoản tiền gửi tại kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Dữ liệu thống kê thị trường của FiinGroup công bố cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp trong tháng 2 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng.

Mới đây, một cuộc khảo sát do chính NHNN tiến hành cũng cho thấy, tại các tổ chức tín dụng (TCTD) mặt bằng lãi suất đã giảm rõ rệt trong năm 2020 và tiếp tục giảm nhẹ trong quý I/2021 với mức giảm bình quân là 0,05 đến 0,16 điểm %. Theo Công ty CP Chứng khoán SSI, đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam vừa qua có thể khiến cầu tín dụng yếu đi. “Lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại”.

Sức ép cuối năm

Tuy nhiên, lãi suất được dự báo sẽ tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2021 do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng. Thứ hai là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh. Thứ ba là lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.

Trong khi đó, lãi suất trái phiếu DN ngày càng gia tăng sức cạnh tranh. Điều này khiến lãi suất tiền gửi khó có thể giảm nhiều và sẽ ổn định trong năm 2021. Bên cạnh đó, nếu như giảm lãi suất đầu vào quá nhiều, thì nhà đầu tư sẽ dịch chuyển sang chơi chứng khoán, đầu tư vàng hay các kênh khác. Như vậy có nghĩa là tiền sẽ không thể tiếp tục chảy vào sản xuất kinh doanh nữa mà lại tập trung vào những lĩnh vực có vẻ rủi ro hơn.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định, trong năm 2021, lãi suất sẽ chịu nhiều áp lực tăng khi nhu cầu tín dụng phục hồi, áp lực lạm phát cao hơn, đòi hỏi cơ quan quản lý cần lưu ý.

Ghi nhận cho thấy sau nhiều tháng sụt giảm, lãi suất tiết kiệm trên thị trường đang có dấu hiệu tăng trở lại từ đầu tháng 3 này. Đơn cử như Techcombank từng là ngân hàng tiên phong hạ lãi suất huy động xuống mức thấp nhất thị trường, đã vừa tăng lãi suất huy động nhiều kỳ hạn từ tháng 3 với mức tăng cao nhất tới 0,8 - 0,9%/năm so với biểu lãi suất hồi đầu tháng 2/2021. Ở kỳ hạn 5 tháng, lãi suất tiền gửi của VPBank hiện là 3,5 - 3,7%/năm (tăng 0,2% so với biểu lãi suất cũ)…

Phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI cũng dự báo lãi suất sẽ thoát đáy và đi lên trong nửa cuối năm nay, tại báo cáo về triển vọng thị trường 2021. Nguyên nhân là do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và kinh tế phục hồi nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt. Công ty CP Chứng khoán SSI ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ nằm trong khoảng 13 - 14%, cao hơn so với mức khoảng 11% của năm 2020, nhờ kinh tế phục hồi khi các nước sản xuất thành công vaccine phòng dịch Covid-19; sự chuyển dịch từ trái phiếu DN sang tín dụng ngân hàng; tài chính tiêu dùng tăng trưởng trở lại.

Giảm lợi nhuận để giảm lãi vay

Tuy nhiên, theo định hướng của Chính phủ, NHNN là giữ mặt bằng lãi suất ổn định, để nhằm vừa ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ DN, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Phát biểu tại diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian qua, NHNN đã kiên định trong kiểm soát lạm phát nhưng vẫn cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, DN.

Với thanh khoản dồi dào của hệ thống, NHNN cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất. “Yếu tố ổn định vĩ mô là vấn đề ưu tiên của Chính phủ” - ông Hà nhấn mạnh, đồng thời cho biết NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, tạo thuận lợi cho DN và người dân.

Trong khi đó, nhiều DN và khách hàng cá nhân vẫn tiếp tục ngóng lãi suất cho vay giảm thêm. Chia sẻ tại tọa đàm về kết nối DN du lịch - ngân hàng, gỡ khó về vốn, chính sách mới đây, nhiều DN du lịch cho rằng lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi vay lại chưa giảm tương xứng, khiến DN vẫn gặp khó về tài chính. Vấn đề hiện nay là làm sao để đẩy mạnh kích cầu, nhiều DN chưa có nhu cầu vay, hoặc do dịch bệnh họ còn phải trì hoãn. Từ đầu năm lãi suất có giảm nhẹ nhưng tín dụng vẫn chưa tăng trưởng, bởi vì sức cầu vẫn còn yếu do diễn biến dịch bệnh trong vài tháng qua vẫn còn phức tạp.

Theo Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank Hoàng Việt Cường, lãi suất đầu vào rất khó tăng lên trong bối cảnh cầu tín dụng vẫn yếu, thanh khoản ngân hàng dồi dào. Huy động nhiều mà không cho vay ra được là bài toán ngân hàng phải cân nhắc.

Năm 2021 này, nếu chỉ số lạm phát tiếp tục được kiểm soát, cùng với các ngân hàng đồng hành tiết giảm chi phí thì mức lãi suất cho vay được dự báo sẽ giảm từ 0,5 - 1% nữa tùy từng ngân hàng và mối quan hệ của ngân hàng với khách hàng, DN. Đây sẽ là cố gắng lớn của ngành ngân hàng, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất đầu vào áp lực tăng lên.

Kinh tế đô thị

Nguồn: http://kinhtedothi.vn/suc-ep-giam-loi-nhuan-de-giam-lai-vay-412614.html