M&A Trong Lĩnh Vực Công Nghệ Tại Việt Nam Bùng Nổ Trong Bối Cảnh Đại Dịch Covid-19 Và Triển Vọng Tương Lai

14 January 2022 - 10:26 AM Alternate Text

 

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ, với giá trị giao dịch ước tính đến hết 10 tháng năm 2021 là khoảng 963 triệu USD, tăng gấp hơn ba lần so với cả năm 2020. Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Điều hành Khối Dịch vụ Nghiên cứu thị trường và Tư vấn của FiinGroup, đã chia sẻ một số nhận định về M&A trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, động lực tăng trưởng của lĩnh vực công nghệ và hoạt động M&A trong ngành cũng như triển vọng trong thời gian sắp tới.

Trong thời gian 3 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến một làn sóng đầu tư mạnh mẽ thông qua các hoạt động M&A vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Tính đến hết tháng 10 năm 2021, số lượng các giao dịch M&A trong lĩnh vực công nghệ đã tăng gần gấp đôi và giá trị các thương vụ đã lớn gấp hơn ba lần toàn bộ các giao dịch của cả năm 2020.

Các lĩnh vực công nghệ chính thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trong thời gian vừa qua tại Việt Nam bao gồm thương mại điện tử (E-commerce), Fintech, Ed-tech, Logistics và tự động hóa kinh doanh (business automation).

Trong lĩnh vực fintech, dữ liệu (“data”) được xác định là nguồn dầu mỏ mới (“new oil”); và phân tích dữ liệu (“data analytics”) là một nhánh phát triển mới nhưng được dự báo có nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Nhu cầu về các nguồn dữ liệu sạch, đáng tin cậy, phục vụ cho các quyết định kinh doanh và các giao dịch tài chính quan trọng đang ngày càng tăng lên từ phía các doanh nghiệp và các định chế tài chính cả trong và ngoài nước.  

Tại Việt Nam, FiinGroup cũng là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực data analytics. Từ năm 2008 đến nay, Công ty đã liên tục phát triển một số nền tảng dữ liệu phục vụ cho giao dịch chứng khoán và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm:

  • FiinPro Platform: Đây là nền tảng dữ liệu tích hợp gồm dữ liệu vĩ mô, dữ liệu và thông tin cập nhật về các doanh nghiệp niêm yết, hiện đang được sử dụng bởi phần lớn các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, một số ngân hàng và bảo hiểm lớn tại Việt Nam.
  • FiinTrade Platform: Đây là nền tảng cung cấp các dữ liệu chuyên sâu về phân tích kỹ thuật, các công cụ giao dịch, các chỉ báo, các phân tích chuyên sâu theo thời gian thực, phục vụ cho hoạt động giao dịch chứng khoán. Hiện nền tảng này đang được hàng nghìn nhà đầu tư sử dụng trong giao dịch chứng khoán hàng ngày tại Việt Nam.  
  • FiinGate Platform: Đây là nền tảng cung cấp dữ liệu chuyên sâu về toàn bộ các doanh nghiệp tại Việt Nam (gồm tên, địa chỉ, mã số thuế, thông tin về sở hữu, thông tin tài chính, phân tích hoạt động kinh doanh, đối sánh với các doanh nghiệp trong ngành, điểm tín dụng …). Hiện nền tảng này đang được nhiều tập đoàn lớn, các định chế tài chính, các công ty tư vấn trong và ngoài nước sử dụng để kiểm tra thông tin đối tác (KYC), tìm kiếm khách hàng mới, quản trị rủi ro đối tác …

Trong thời gian tới, FiinGroup sẽ tiếp tục hoàn thiện các nền tảng trên cũng như phát triển thêm một số nền tảng mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về các dữ liệu chuyên sâu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chúng tôi cho rằng các động lực tăng trưởng chính cho lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam và hoạt động M&A trong ngành đến từ các yếu tố chủ yếu sau:

  • Xu hướng chuyển đổi số hiện đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ tài chính (gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán …); bán lẻ, logistics, giáo dục, y tế …Hoạt động chuyển đổi số giúp cho các doanh nghiệp cải thiện trải nghiệm của khách hàng, gia tăng được tệp khách hàng mới cũng như tối ưu hóa các hoạt động của doanh nghiệp.Chuyển đổi số làm tăng nhu cầu đối với các nền tảng số, các sản phẩm và dịch vụ số. Đây là môi trường rất tốt cho sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp công nghệ trong các lĩnh vực này cũng như gia tăng nhu cầu huy động vốn thông qua M&A để mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ.
  • Dịch bệnh COVID-19 là chất xúc tác quan trọng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp. Việc giãn cách xã hội, làm việc từ xa trong bối cảnh dịch bệnh đã thúc đẩy sự phát triển của các giải pháp công nghệ, giúp cho cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể duy trì hoạt động liên tục và tới gần hơn với khách hàng (từ họp hành, hội thảo, đặt hàng, ký hợp đồng, giao hàng ….) cũng như tạo ra các hệ sinh thái số để giúp các doanh nghiệp cùng tham gia, mở rộng tệp khách hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
  • Việt Nam có các yếu tố về nhân khẩu học hấp dẫn cho sự phát triển của ngành công nghệ, bao gồm quy mô dân số lớn và đang tăng trưởng, dân số trẻ và đam mê công nghệ, tỷ lệ người dân sử dụng internet và điện thoại di động cao, thu nhập của người dân đang dần cải thiện, nhu cầu tiêu dùng cao, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng …Các yếu tố nhân khẩu học thuận lợi này sẽ giúp cung cấp một lượng khách hàng dồi dào cho các sản phẩm/dịch vụ số cũng như đảm bảo được nguồn nhân lực tiềm tàng cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ hiện tại và trong tương lai.
  • Mặc dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sự chống chịu tương đối tốt và vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong suốt 2 năm vừa qua. Dự kiến trong vòng 3 năm tới, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi sau đại dịch ở mức khoảng 6% – 7%/năm. Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được lượng vốn đầu tư lớn từ khối các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa đang gia tăng và đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian vừa qua. Nền kinh tế vững mạnh cộng với sự mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ là lực cầu tốt cho các sản phẩm, dịch vụ số của các doanh nghiệp công nghệ và thúc đẩy việc huy động vốn của các doanh nghiệp này thông qua hoạt động phát hành tăng vốn và/hoặc M&A.

Nhìn về tương lai, chúng tôi tin rằng với sự khuyến khích và hỗ trợ của Chính phủ đối với việc phát triển của các doanh nghiệp công nghệ cũng như hoạt động chuyển số đang diễn ra sâu rộng trong nền kinh tế, với các yếu tố nền tảng vững chắc như đã trình bày trên thì lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Lĩnh vực công nghệ của Việt Nam dự báo sẽ nhận được sự quan tâm, vốn đầu tư lớn cũng như chia sẻ về năng lực quản trị, công nghệ tiên tiến từ các quỹ đầu tư công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ quốc tế với số lượng và giá trị các giao dịch dự kiến sẽ tiếp tục lập những kỷ lục mới.

FiinGroup

Nguồn: